Những năm gần đây, tại nhiều hội thảo, tọa đàm, chính những người chuyển giới đã lên tiếng rằng họ cần được pháp luật bảo vệ để không bị cộng đồng kỳ thị và tránh những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.
Cuộc sống khó khăn
Ông Lê Quang Bình (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường) từng nhận xét, nhiều người chuyển giới dường như đang sống ngoài vòng pháp luật. Họ không có chứng minh nhân dân, không sử dụng tên khai sinh và không được thừa nhận giới tính mới sau phẫu thuật.
Còn theo một số bác sĩ tâm lý tại TP.HCM thì về sức khỏe, người chuyển giới gặp nhiều vấn đề cả về thể chất lẫn tinh thần. Họ không dám đi khám tại các cơ sở y tế vì sợ bị kỳ thị, tự dùng hoóc-môn không có hướng dẫn, phẫu thuật cấy ghép “chui” do không được pháp luật cho phép. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử và cả bạo lực từ gia đình và xã hội đã khiến nhiều người trầm cảm, dẫn đến ý định tự tử hoặc hành động tự tử trên thực tế.
Một người chuyển giới sống tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) tâm sự: “Dù có học vấn hay không, chúng tôi vẫn khó xin được việc làm tử tế. Không có việc, không có tiền, nhiều người phải làm những việc chịu sự kỳ thị nặng nề hơn như đi hát đám tang hoặc thậm chí bán dâm”. Theo người này, pháp luật dân sự cần bảo vệ tốt hơn các quyền nhân thân của họ như quyền phẫu thuật xác định lại giới tính, quyền đổi tên, quyền được thừa nhận giới tính mới sau phẫu thuật.
Phải có quy định?
Từ tình hình trên, TS Nguyễn Văn Tiến (Trưởng bộ môn Luật Hôn nhân Gia đình - Trường Đại học Luật TP.HCM) cho rằng các nhà làm luật nước ta không nên chần chừ nữa mà phải chính thức thừa nhận giới tính thứ ba trong hệ thống pháp luật. Pháp luật nên công nhận và xã hội nên có cái nhìn thoáng hơn với người đồng tính, người chuyển giới.
Theo TS Tiến, nguyên tắc của Hiến pháp và pháp luật là mọi công dân bình đẳng trước pháp luật. Trong khi đó, chuyển đổi giới tính là nhu cầu tự nhiên của con người, là nguyện vọng, mong muốn của những người có khiếm khuyết về cơ thể, hoóc-môn. Suy cho cùng mong muốn đó gắn liền với quyền cơ bản của con người là được pháp luật bảo vệ.
Trước mắt, chúng ta có thể thực hiện ngay hai việc: Đầu tiên là cần phải có một cơ quan có thẩm quyền tổng rà soát và sơ kết xem hiện nay số lượng người chuyển giới của chúng ta hiện bao nhiêu (có tài liệu cho biết ở Việt Nam có khoảng 100.000 người chuyển giới - NV). Lâu nay chúng ta chỉ bàn về lý thuyết mà chưa có số liệu cụ thể để có cái nhìn, cách đánh giá phù hợp. Tiếp đó, chúng ta phải thống nhất rằng việc đánh giá một ai đó thuộc giới tính thứ ba phải dựa trên cở sở y học, tức có kết luận sau khi thăm khám chính thức của cơ quan y tế có thẩm quyền, tránh việc chỉ dựa vào lời trình bày, nguyện vọng của cá nhân ai đó mà công nhận bừa bãi thiếu kiểm soát. Nếu không sẽ gây ra hậu quả là sẽ có người lạm dụng việc xác định giới tình để phạm tội hoặc trục lợi. Ví dụ hành vi hiếp dâm sẽ bị lạm dụng nếu việc thay đổi giới tính quá dễ dàng.
Luật sư Phạm Quốc Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích: Thực ra, những người được pháp luật coi là bình thường cũng có người bị khuyết tật về tâm lý, xúc cảm, ý thích. Bằng chứng là rất nhiều người có hình thể bình thường, thậm chí được đánh giá là “đẹp trai”, “xinh gái” cũng có xu hướng “yêu” người cùng giới. Khoa học hiện nay cũng chưa xác định được nguyên nhân và cách điều trị dứt điểm nên phải thừa nhận đó là hiện tượng xã hội. Pháp luật cũng cần có quy định sao cho phù hợp với nguyện vọng của những người này, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Công nhận họ sao cho phù hợp đạo đức xã hội, truyền thống dân tộc với cách nhìn nhận mang bản chất nhân văn thể hiện góc nhìn, cái nhìn phóng khoáng, không khắt khe, hẹp hòi với đồng loại.
Khó công nhận hôn nhân đồng giới?
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có 11 quốc gia, 10 vùng lãnh thổ đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Tại Việt Nam, khi Bộ Tư pháp lấy ý kiến việc sửa Luật Hôn nhân và Gia đình, cõ những ý kiến ủng hộ hôn nhân đồng giới, mong sớm được luật hóa nhưng nhiều ý kiến hơn lại cho rằng thực tế xã hội vẫn chưa đủ điều kiện để công nhận hôn nhân đồng giới.
Về thực tế, dù pháp luật chưa đề cập thì nhiều cặp đôi vẫn sống chung với nhau, nhiều người còn tổ chức đám cưới.
Theo luật sư Hưng, một khi pháp luật thừa nhận giới tính thứ ba thì việc đăng ký kết hôn giữa hai người đồng giới là bình thường. Lúc đó, hôn nhân của họ được pháp luật công nhận là vợ chồng.
Tuy nhiên, theo TS Tiến, không nên hiểu ”cứng” rằng pháp luật ghi nhận giới tính thứ ba thì phải công nhận hôn nhân đồng giới. Bởi lẽ phải công bằng mà nói thì quan hệ sống chung giữa hai người đồng giới không mang dáng dấp và một chức năng của một gia đình theo đúng nghĩa. Tức gia đình đó không phải là xã hội thu nhỏ, không đảm báo yếu tố gia đình hạt nhân. Họ có thể nhận nuôi con hợp pháp nhưng không có nghĩa là giúp duy trì nói giống. Ngoài ra khi chấp nhận hôn nhân đồng giới sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề vấn đề phát sinh như tranh chấp tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, ly hôn, ly thân...
Đồng tình, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng công nhận giới tính thứ ba là việc nên làm nhưng hôn nhân đồng giới thì phải nghiên cứu kỹ.
Theo plo.vn