BACK TO TOP
Hotline: 0985 99 88 00
Email: tuvan@quocluatlaw.vn
Logo Banner
Tin tức

Sửa luật để mạnh tay hơn với tham nhũng

Đăng lúc: 03-01-2015 07:57:44 AM - Đã xem: 695

- Nhiều chuyên gia đánh giá cao chủ trương sửa đổi BLHS hiện hành theo hướng nghiêm khắc hơn với các loại tội phạm về tham nhũng, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội…

(PL)- Nhiều chuyên gia đánh giá cao chủ trương sửa đổi BLHS hiện hành theo hướng nghiêm khắc hơn với các loại tội phạm về tham nhũng, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội…

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, trong phiên họp thứ 17 sáng 31-12-2014 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, một nội dung đáng chú ý theo báo cáo của Ban Chỉ đạo là nhiều chủ trương, nhiệm vụ của cải cách tư pháp đã được đưa vào các dự thảo sửa đổi luật. Trong đó, dự thảo BLHS sửa đổi đã đưa vào các quy định nghiêm khắc hơn với tội phạm tham nhũng, với người phạm tội là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội.

Phát hiện lúc nào, khởi tố lúc đó

Cụ thể, dự thảo BLHS sửa đổi không quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các loại tội phạm về tham nhũng.

BLHS hiện hành quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là năm năm với các tội ít nghiêm trọng, 10 năm với các tội nghiêm trọng, 15 năm với các tội rất nghiêm trọng, 20 năm với các tội đặc biệt nghiêm trọng. Quy định này được áp dụng chung cho tất cả loại tội phạm, kể cả tội phạm về tham nhũng.

Tuy nhiên, với thay đổi trong dự thảo BLHS sửa đổi thì riêng tội phạm về tham nhũng sẽ không được hưởng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Tức là dù cho hành vi phạm tội xảy ra từ bao nhiêu năm trước đi chăng nữa thì khi phát hiện, cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn có quyền khởi tố, điều tra…

Các bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm của TAND TP.HCM xử vụ tham nhũng xảy ra tại Công ty Cho thuê Tài chính II (ALC II) hồi tháng 9-2014. Ảnh: H.YẾN

 

“Đó sẽ là một sửa đổi mang tính đột phá nếu đi vào thực tế” - luật sư Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) hào hứng. Ông nhận xét: “Ai cũng biết hậu quả của tội phạm tham nhũng rất lớn và kéo dài, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà nó còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước và cả quốc gia trên trường quốc tế. Việc không quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các loại tội phạm về tham nhũng sẽ đảm bảo công bằng xã hội, tăng hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng qua việc răn đe, cảnh báo cho những người có chức, có quyền”.

“Sẽ không còn tư tưởng “hy sinh đời bố để củng cố đời con” hay kiểu yên tâm “hạ cánh an toàn” nếu quy định sửa đổi này được đưa vào luật” - Thẩm phán Hoàng Văn Hải (nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh) nói. Ủng hộ quy định sửa đổi nhưng ông Hải đề xuất dự thảo nên đưa thêm các quy định khác để việc xử lý hành vi tham nhũng được chặt chẽ, triệt để hơn. Chẳng hạn khi phát hiện ra tội phạm tham nhũng mà người phạm tội đột ngột qua đời thì việc xử lý tài sản được xác định là do tham những mà có của họ sẽ như thế nào?

Luật sư Phạm Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng đánh giá cao việc không quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các loại tội phạm về tham nhũng: “Quy định như vậy có lợi cho Nhà nước khi dễ dàng xử lý tham nhũng. Nó cũng là một trong những biện pháp nhằm trị tận gốc căn bệnh tham nhũng hiện nay”.

Án sẽ nặng hơn

Một nội dung khác là dự thảo BLHS sửa đổi sẽ quy định trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn đối với những người phạm tội là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội (điều kiện hưởng án treo, quyết định hình phạt…).

Một thẩm phán TAND tỉnh Đồng Nai (đề nghị không nêu tên) nhận xét: “Việc xử lý nghiêm khắc hơn người phạm tội về tham nhũng chính là một giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Tuy nhiên, ngoài trách nhiệm hình sự, vấn đề thu hồi tài sản trong án tham nhũng cũng rất cần được chú trọng. Theo số liệu của Cục Thống kê tội phạm thuộc VKSND Tối cao thì ước tính tài sản kiến nghị thu hồi của các cơ quan chức năng chỉ khoảng hơn 30%, số thu hồi được trên thực tế còn thấp hơn nữa. Cạnh đó, cách thức xử lý tài sản được mua từ tiền tham nhũng mà có, do người thân của người tham nhũng đứng tên cũng chưa rõ nên cần phải có quy định điều chỉnh”.

Luật sư Nguyễn Toàn Thiện đề xuất các nhà làm luật nên nghiên cứu, mổ xẻ để đưa vào dự thảo BLHS sửa đổi các nội dung như hành vi làm giàu bất hợp pháp, hành vi tham nhũng trong khu vực tư, hành vi tham nhũng các giá trị phi vật chất (hối lộ tình dục, thăng chức, lên lương...). Đây là những hành vi tham nhũng cần được hình sự hóa theo yêu cầu của Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức từ năm 2009.

Bắt buộc tịch thu tài sản

Trong BLHS hiện hành, hình phạt khung và mức hình phạt của các tội phạm về tham nhũng đã nghiêm khắc hơn so với các tội phạm khác. Nhưng khi áp dụng lại còn có những quy định khác của BLHS nên các tòa thường không áp dụng mức án nặng với người tham nhũng. Vì vậy BLHS sửa đổi cần có quy định chặt chẽ hơn như tham ô, nhận hối lộ từ bao nhiêu trở lên là tử hình, không kể người phạm tội có bao nhiêu tình tiết giảm nhẹ. BLHS sửa đổi cũng cần nâng mức hình phạt tiền là hình phạt bổ sung, quy định hình phạt tịch thu tài sản là bắt buộc…

Luật sư ĐINH VĂN QUẾnguyên Chánh Tòa 
Hình sự TAND Tối cao

6.714 là số bị cáo bị xét xử về các tội phạm tham nhũng trong 10 năm (2000-2010), trong đó tội tham ô tài sản chiếm tỉ lệ 65%-80%.

Nguồn: Cục Thống kê tội phạm VKSND Tối cao

(Theo netluat.vn)

Gọi điện