BACK TO TOP
Hotline: 0985 99 88 00
Email: tuvan@quocluatlaw.vn
Logo Banner
Hỏi đáp pháp luật
Trình tự, thủ tục lập di chúc hợp pháp?
Đăng lúc: 22-06-2024 04:10:28 PM
Lượt xem: 54

Hỏi: Trình tự, thủ tục lập di chúc hợp pháp?

Trả lời:

Trước tiên, theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”

Theo quy định tại Điều 625 Bộ luật Dân sự 2015, người lập di chúc cần đáp ứng điều kiện sau:

+ Người thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) có đủ minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép (Điểm a Khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015) có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.

+ Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi lập di chúc thì phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc (Khoản 2 Điều 625 Bộ luật Dân sự 2015).

Hình thức di chúc được quy định tại Điều 627 Bộ luật Dân sự 2015 gồm 02 dạng: Di chúc bằng văn bản và di chúc miệng. Trong đó, di chúc bằng văn bản có thể lập dưới nhiều dạng nhưng phổ biến nhất hiện nay là di chúc bằng văn bản có công chứng. Do đó, bên dưới đây là hướng dẫn về trình tự, thủ tục lập di chúc bằng văn bản có công chứng:

1.     Thành phần, số lượng hồ sơ

– Thành phần hồ sơ:

+ Phiếu yêu cầu công chứng;

+ Bản sao giấy tờ tùy thân: Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu của người lập di chúc;

+ Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng;

+ Bản sao giấy tờ khác có liên quan mà pháp luật quy định phải có, như:

* Giấy tờ chứng minh về tình trạng tài sản chung/riêng:

  • Án ly hôn chia tài sản/án phân chia thừa kế/văn bản tặng cho tài sản…;
  • Thỏa thuận phân chia tài sản chung riêng/nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung vợ chồng, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng;
  • Văn bản cam kết/thỏa thuận về tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân;
  • Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn/xác nhận về quan hệ hôn nhân được xác lập trước ngày 03/01/1987 cho đến nay (trong trường hợp sống chung nhưng chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn);
  • Giấy tờ xác định về việc tài sản nằm ngoài thời kỳ hôn nhân: Giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân (trên cơ sở đối chiếu với thời điểm tạo dựng tài sản)…

* Giấy tờ chứng minh tư cách chủ thể tham gia giao dịch:

  • Cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài: có các giấy tờ chứng minh theo quy định của pháp luật về quốc tịch như: Giấy tờ chứng minh nguồn gốc Việt Nam; Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, thôi quốc tịch Việt Nam, đăng ký công dân, các giấy tờ chứng minh được phép nhập cảnh vào Việt Nam…;
  • Cá nhân nước ngoài: có giấy tờ theo quy định pháp luật, thể hiện việc được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

* Giấy tờ chứng minh về năng lực hành vi: giấy khám sức khỏe/tâm thần;

* Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân của người làm chứng/ người phiên dịch (trong trường hợp cần phải có người làm chứng/ người phiên dịch).

+ Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến văn bản yêu cầu chứng nhận mà pháp luật quy định phải có.

- Đối với trường hợp Di chúc được người yêu cầu công chứng soạn thảo sẵn: ngoài thành phần nêu trên thì kèm theo Dự thảo di chúc.

– Số lượng hồ sơ: 01 bộ  (Lưu ý mang theo bản chính để đối chiếu khi đến công chứng).

2.     Cách thức thực hiện

Bước 1: Nộp hồ sơ

– Người yêu cầu công chứng nộp và nhận kết quả giải quyết hồ sơ trực tiếp tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng (Phòng Công chứng hoặc Văn phòng Công chứng);

– Trong trường hợp người già yếu không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng theo đơn yêu cầu của người có yêu cầu công chứng.

Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ

- Trường hợp việc tiếp nhận thông qua bộ phận tiếp nhận hồ sơ thì bộ phận tiếp nhận chuyển hồ sơ cho Công chứng viên kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng;

- Trường hợp Công chứng viên trực tiếp nhận, thì thực hiện kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng:

+ Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý;

+ Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng chưa đầy đủ: Công chứng viên hướng dẫn và người yêu cầu công chứng bổ sung hồ sơ theo hướng dẫn;

+ Trường hợp hồ sơ không đủ cơ sở pháp luật để giải quyết: Công chứng viên giải thích rõ lý do và từ chối tiếp nhận hồ sơ. Nếu người yêu cầu công chứng đề nghị từ chối bằng văn bản, Công chứng viên báo cáo Trưởng phòng/Trưởng Văn phòng xin ý kiến và soạn văn bản từ chối.

Bước 3: Soạn thảo và ký văn bản

- Trường hợp văn bản đã được người yêu cầu công chứng soạn thảo sẵn: Công chứng viên kiểm tra dự thảo văn bản, nếu trong dự thảo văn bản có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, nội dung của văn bản không phù hợp quy định của pháp luật, Công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì Công chứng viên có quyền từ chối công chứng;

- Trường hợp văn bản do Công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng: nội dung, ý định giao kết hợp đồng, giao dịch là xác thực, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì Công chứng viên soạn thảo giao dịch;

- Người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo Di chúc hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe theo đề nghị của người yêu cầu công chứng. Trường hợp người yêu cầu công chứng có yêu cầu sửa đổi, bổ sung, Công chứng viên xem xét và thực hiện việc sửa đổi, bổ sung ngay trong ngày hoặc hẹn lại;

- Trường hợp người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong dự thảo Di chúc, Công chứng viên hướng dẫn người yêu cầu công chứng ký vào từng trang của Di chúc. Đồng thời, di chúc 

Bước 4: Ký chứng nhận

Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ theo quy định để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của Di chúc và chuyển bộ phận thu phí của tổ chức hành nghề công chứng.

Bước 5: Trả kết quả công chứng

Bộ phận thu phí của tổ chức hành nghề công chứng hoàn tất việc thu phí, thù lao công chứng và chi phí khác theo quy định, đóng dấu và hoàn trả lại hồ sơ cho người yêu cầu công chứng.[1]

Trên đây là hướng dẫn về trình tự, thủ tục lập di chúc bằng văn bản có công chứng. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thủ tục chứng thực di chúc được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã thông qua link sau: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-chi-tiet-thu-tuc-hanh-chinh.html?ma_thu_tuc=2.001019



[1] https://phongcongchung4tphcm.vn/34-thu-tuc-cong-chung-di-chuc/

Gọi điện