BACK TO TOP
Hotline: 0985 99 88 00
Email: tuvan@quocluatlaw.vn
Logo Banner
Hỏi đáp pháp luật
Thủ tục thành lập doanh nghiệp như thế nào 2021
Đăng lúc: 02-06-2021 05:08:53 PM
Lượt xem: 514


Kinh tế thị trường đang ngày càng rõ nét và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Trong xu thế đó, nhu cầu "khởi nghiệp" ngày càng trở nên cần thiết và cấp bách. Để hỗ trợ cho xu hướng trên, pháp luật doanh nghiệp đã đơn giản hóa những trình tự, thủ tục hành chính để thành lập doanh nghiệp, giúp có nhiều công ty hơn gia nhập thị trường. Nhằm giúp khách hàng có cái nhìn tổng thể về thủ tục thành lập doanh nghiệp, văn phòng luật sư Quốc Luật đã tổng hợp những nội dung liên quan đến thủ tục thành lập doanh nghiệp như sau:

1.                  Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ thành lập doanh nghiệp gồm:

- Đơn đăng ký kinh doanh lập theo mẫu (tên doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính; ngành nghề kinh doanh; vốn điều lệ; địa chỉ của chi nhánh, văn phòng đại diện nếu có…).

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

- Điều lệ doanh nghiệp;

- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của sáng lập viên và người đại diện theo pháp luật của công ty (Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/Hộ chiếu).

- Trường hợp góp vốn là tổ chức thì cần nộp kèm Quyết định thành lập/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác và bản sao hợp lệ giấy chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền quản lý phần vốn góp.

- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Văn bản ủy quyền của chủ sở hữu cho người được ủy quyền đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức.

- Văn bản ủy quyền cho tổ chức/cá nhân thực hiện thủ tục.

Các lưu ý khi kê khai thông tin đăng ký doanh nghiệp:

Tên doanh nghiệp

- Được xác định bằng loại hình doanh nghiệp (Công ty TNHH/Công ty cổ phần/Công ty hợp danh/Doanh nghiệp tư nhân) + Tên riêng.

- Trước khi đăng ký cần tiến hành tra cứu khả năng đăng ký tên doanh nghiệp để tránh trùng hoặc gây nhầm lẫn với các doanh nghiệp đã đăng ký trước. Ngoài ra, cần tránh các tên nổi tiếng đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu vì có thể doanh nghiệp có nguy cơ bị yêu cầu đổi tên do trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam.

- Một trong yếu tố gây nhầm lẫn dễ bị từ chối khi đăng ký tên doanh nghiệp là “ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó”.

- Ví dụ: Doanh nghiệp dự định đặt tên Công ty TNHH Đầu tư và thương mại ABC. Tuy nhiên, đã có doanh nghiệp đăng ký tên là Công ty TNHH Đầu tư và thương mại thì tất cả những tên công ty có phần hậu tố phía sau bằng tiếng Anh chẳng hạn sẽ đều bị từ chối.

Địa chỉ trụ sở công ty

Lưu ý không đăng ký tại địa chỉ chung cư và nhà tập thể, nếu địa chỉ là tòa nhà thì cần xác định địa điểm đó có chức năng thương mại.

Vốn điều lệ

- Pháp luật không quy định mức vốn tối thiểu hoặc tối đa khi đăng ký thành lập, trừ những ngành nghề yêu cầu vốn ví dụ như: Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa yêu cầu ký quỹ 100 triệu thì khi đăng ký thành lập công ty, khách hàng cần đăng ký vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn ký quỹ đó.

- Câu hỏi thường gặp là đăng ký vốn thấp hoặc cao có ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh không? Doanh nghiệp lưu ý là vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty và được hoàn thành trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn trên công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.

- Việc đăng ký mức vốn là tùy thuộc vào nhu cầu kinh doanh, khả năng góp vốn của mỗi thành viên, việc tăng vốn điều lệ được thực hiện khá dễ dàng bất kỳ lúc nào doanh nghiệp có nhu cầu bổ sung nguồn vốn, nhưng việc giảm vốn yêu cầu nhiều điều kiện (ví dụ phải hoạt động liên tục 2 năm mới được giảm vốn theo hình thức hoàn trả vốn góp) nên doanh nghiệp cũng cần cân nhắc kỹ khi đăng ký vốn điều lệ.

Mã ngành nghề kinh doanh

Việc đăng ký mã ngành nghề được thực hiện theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Với những ngành nghề có điều kiện về giấy phép con, sau khi được cấp đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp cần đáp ứng đủ điều kiện và xin cấp giấy phép tại cơ quan quản lý chuyên ngành thì mới được hoạt động hợp pháp trên thực tế.

 

2.                  Nộp hồ sơ đăng ký đăng ký doanh nghiệp

Hồ sơ được nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh (Sở kế hoạch và đầu tư) hoặc Phòng kế hoạch Tài chính (UBND cấp huyện) đối với Đăng ký hộ kinh doanh.

 

  1. 3.                  Nhận hồ sơ và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ

Thời hạn hoàn thành thủ tục thành lập doanh nghiệp: trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thông báo về tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ của bạn hợp lệ, sau thời hạn trên, bạn sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

 

4.                  Khắc dấu

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp ủy quyền cho VPLS Quốc Luật hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan khắc dấu để khắc dấu pháp nhân cho doanh nghiệp. Điểm nổi bật của Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 là: “Doanh nghiệp có quyền quyết định về việc sử dụng hoặc không sử dụng con dấu.

Sau khi khắc dấu pháp nhân doanh nghiệp chủ động sử dụng con dấu mà không cần thực hiện thủ tục thông báo về mẫu dấu của doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo như quy định của Luật doanh nghiệp cũ. Theo đó, doanh nghiệp tự khắc dấu và quản lý con dấu, tự chịu trách nhiệm về con dấu của mình, đây cũng là một điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lo ngại về vấn đề này vì sợ tình trạng lạm dụng con dấu của doanh nghiệp cũng như không có cơ chế quản lý con dấu của doanh nghiệp.

 

5.                  Sau khi đăng ký doanh nghiệp (sau khi thành lập công ty)

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục và phải trả phí theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như công bố thông tin kịp thời, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thu luôn lệ phí công bố khi doanh nghiệp nhận kết quả đăng ký kinh doanh.

 

6.                  Kê khai thuế sau khi thành lập doanh nghiệp/công ty

Sau khi thành lập công ty công ty năm đầu thành lập được miễn thuế môn bài nhưng vẫn phải kê khai thuế môn bài. Dù mới thành lập hoặc chưa phát sinh hoạt động kinh doanh, doanh thu, chi phí nhưng doanh nghiệp lưu ý hàng quý và cuối năm vẫn cần thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và lập báo cáo tài chính cuối năm, kể cả trường hợp không có bất kỳ số liệu gì. Nếu doanh nghiệp chậm kê khai hoặc không kê khai sẽ bị phạt và có thể bị rơi vào trạng thái đóng mã mã thuế.

 

Các bài viết khác

Gọi điện