BACK TO TOP
Đảm nhận thực hiện
TĂNG QUYỀN LUẬT SƯ ĐỂ NÂNG CHẤT TRANH TỤNG
Đăng lúc: 15-07-2015 04:22:49 PM
Lượt xem: 1464

Hội thảo mô hình tố tụng hình sự (TTHS) Việt Nam theo yêu cầu cải cách tư pháp do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa tổ chức tại Huế xác định không thể xem nhẹ vai trò của người bào chữa (chủ yếu là luật sư). Họ là bộ phận quan trọng cấu thành nên cải cách tư pháp và là một nửa còn lại quyết định thành công hay thất bại tính chất tranh tụng tại phiên tòa.

Luật sư chưa được tôn trọng

Nhìn từ góc độ thực tiễn, TS-luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng địa vị pháp lý, tư cách tham gia tố tụng của luật sư chưa bình đẳng với người tiến hành tố tụng. Luật sư hoàn toàn phụ thuộc vào sự đồng thuận hay không của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra, thu thập chứng cứ khi bảo vệ cho thân chủ. Do đó cần phải coi luật sư như một chức danh tư pháp bình đẳng độc lập về thẩm quyền và thực thi các quyền, nghĩa vụ với người tiến hành tố tụng khác, không thể coi là người tham gia tố tụng. Bổ sung tranh tụng như một nguyên tắc cơ bản của TTHS.

Vấn đề khác là luật quy định rõ trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa nhưng thực tế cơ quan điều tra luôn làm khó, yêu cầu phải có ý kiến đồng ý của bị can, bị cáo thì mới cấp, trong khi luật sư không thể tiếp xúc với thân chủ trong trại giam. Các vấn đề về hiệu lực, thủ tục thu hồi giấy chứng nhận trong các giai đoạn tố tụng cũng chưa được làm rõ. Theo luật sư Hoài, nên bãi bỏ việc xét cấp, thu hồi như hiện nay. Khi đương sự hoặc người thân của họ nhờ thì luật sư chỉ cần xuất trình thẻ và giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề là được phép tham gia tố tụng. Cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm thông báo đến các trại giam để luật sư có thể làm việc tốt.

Cạnh đó, luật sư cũng không được bình đẳng trong việc điều tra thu thập chứng cứ. Những gì mà luật sư có chỉ được coi là những “tài liệu đồ vật” và chỉ có quyền giao cho cơ quan điều tra hoặc VKS. Luật cũng chưa quy định cách thức liên lạc trao đổi giữa điều tra viên và luật sư nên việc tham gia tố tụng luôn bị phụ thuộc vào sự sắp xếp của điều tra viên.

Cũng theo luật sư Hoài, ở giai đoạn xét xử, luật cho phép một luật sư được bào chữa cho nhiều bị can trong cùng một vụ án khi quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau. Thực tế, cơ quan tố tụng xác định tính chất không đối lập nhau khá cảm tính, chưa rõ ràng…

Cần nhiều cơ chế để tranh tụng

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa, tại các buổi hỏi cung, bị can không được từ chối lấy lời khai khi không có mặt luật sư. Khi vụ án bị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung thì luật sư không được thông báo khiến không nắm bắt được nội dung yêu cầu của việc điều tra bổ sung. Quy định về việc tiếp xúc với bị cáo tại phiên tòa đang gây trở ngại cho việc bào chữa…

Từ đó luật sư Nghĩa cho rằng cần có cơ chế cho luật sư tham gia đầy đủ vào các giai đoạn tố tụng, thực hiện nguyên tắc tranh tụng mạnh mẽ đầy đủ. Cụ thể Hiến pháp và BLTTHS cần ghi nhận quyền bào chữa của nghi can, bị can, bị cáo là một trong các quyền cơ bản của công dân. Khẳng định nghi can, bị can có quyền không tự tố cáo mình và giữ im lặng cho đến khi tiếp xúc với luật sư mình yêu cầu hoặc được chỉ định. Áp dụng nguyên tắc “mặc nhiên vô tội cho đến khi có bản án có hiệu lực”. Ông Nghĩa cho rằng không nên dùng cụm từ được “suy đoán vô tội” vì dễ dẫn đến tâm lý của người tiến hành tố tụng cho là “tôi đoán anh có tội nhưng anh được suy đoán vô tội…”. Có chế độ giam giữ riêng vì môi trường giam giữ như hiện nay có thể làm cho lời khai của bị can không chính xác do họ có tâm lý bị ép cung…

Luật sư Nghĩa cũng đề xuất các biện pháp nâng cao địa vị pháp lý của luật sư. Trước hết cần quy định nguyên tắc luật sư được tiếp xúc riêng và tư vấn cho thân chủ ngay từ giai đoạn điều tra. Theo đó, cơ quan điều tra chỉ nên giám sát về tầm nhìn để ngăn chặn việc luật sư đưa các đồ vật, còn nội dung trao đổi thì được tự do. Tiếp đó là đơn giản hóa thủ tục mời và tiếp xúc thân chủ của luật sư trừ một số trường hợp như luật định. Luật cũng nên cho phép luật sư được phép thu thập chứng cứ, chất vấn và phản biện về chứng cứ buộc tội…

Giấu thông tin hay tố giác?

Một vấn đề được nhiều người quan tâm đó là quyền không tiết lộ thông tin trong quan hệ giữa luật sư và thân chủ trong TTHS như thế nào. Chẳng hạn trong quá trình tiếp xúc, bị can tiết lộ cho luật sư rằng trước đó anh ta thực hiện một tội phạm khác nhưng cơ quan điều tra không hay biết. Lúc này luật sư phải làm gì? Phải giữ bí mật, không làm nặng thêm cho thân chủ hay phải tố giác tội phạm? Hầu hết các ý kiến cho rằng quy định này phải được luật hóa theo hướng hài hòa giữa hai nhiệm vụ trên. Đây cũng là vấn đề từng gây nhiều tranh cãi vì nó liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp của luật sư.

Luật sư phải là “một trong ba chân kiềng”

Để bảo vệ công lý cho nhân dân, việc bào chữa của luật sư lẽ ra phải là một trong ba chức năng chính giống như một chiếc kiềng ba chân trong TTHS là buộc tội, gỡ tội và phán quyết. Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị cũng đã nêu rõ cải cách tư pháp cần nâng cao vai trò của luật sư để bảo đảm cân bằng giữa bên bào chữa và bên công tố khi tham gia xét xử. Tuy nhiên theo tôi, vai trò của luật sư trong xã hội hiện nay chưa tương xứng…

Một đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Không được giới hạn tranh luận

Vẫn còn trường hợp chủ tọa giới hạn thời gian tranh luận, bào chữa trong khi luật quy định rõ tòa phải tạo mọi điều kiện cho khâu này. Luật cũng quy định luật sư có quyền kháng cáo bản án nếu bị cáo là người chưa thành niên hoặc có nhược điểm về tinh thần, thể chất nhưng không nói rõ việc kháng cáo đó là độc lập hay phụ thuộc vào ý chí của bị cáo hay người đại diện cho bị cáo. Những vấn đề này cần phải được quy định rõ và thực hiện nghiêm túc.

Luật sư NGUYỄN THANH VĂN (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Thanh Tùng

Theo: Tạp chí Pháp luật TP.HCM online

Cùng chuyên mục:
  • VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG CHỢ LỚN
  • Văn phòng công chứng Tân Phú
  • VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TB
  • CÔNG CHỨNG DƯƠNG THỊ CẨM THỦY
  • CÔNG TY HÓA CHẤT THÁI LAI
  • BÁO PHÁP LUAT
  • CTY MANH PHUONG

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ QUỐC LUẬT

Trụ sở chính: 605 Nguyễn Trãi, Phường 7, Quận 5, TP.Hồ Chí Minh

                 Di động: 0903.921.366 – Hotline: 098.599.88.00

Chi nhánh 1: 677 Lũy Bán Bích, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, Tp. HCM.

         Điện thoại: 028-62673081 - Fax: 028-62673075

Chi nhánh 2: 467 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, Tp. HCM.

         Điện thoại: 028-62610158 - Fax: 028-62610112

   Chi nhánh 3: 298 Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp, Tp. HCM.

            Điện thoại: 028-62664626 - Fax: 028-62833733

Email 1tuvan@quocluatlaw.vn        Email 2luatsu@quocluatlaw.vn

Website:  http://quocluatlaw.vn

 Bản quyền của Văn Phòng Luật Sư Quốc Luật

 

Thống kê truy cập
Hôm nay:1 Trong tuần: 331 Trong tháng: 1095 Tổng truy cập: 186374